NÚI HÀM RỒNG Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sa Pa, thung lũng Mường Hoa, xã Sa Pả , Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Post date: 19-01-2016
3,529 view(s)
NÚI HÀM RỒNG
Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sa Pa, thung lũng Mường Hoa, xã Sa Pả , Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Vị trí: Cách thị trấn Sa Pa 3km, có thể đi bộ.
Núi Hàm Rồng. Ảnh:vn.worldmapz
NHÀ THỜ ĐÁ SA PA
Nhà thờ Đá Sa Pa xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương. Vị trí: Trung tâm thị trấn Sa Pa.
Nhà thờ ĐÁ Sa Pa. Ảnh: Mangtrithuc
BẢN CÁT CÁT
Là một bản lâu đời của người Mông, nơi đây còn lưu giữ nhiều nghệ thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải. Hiện nay nơi đây đã được xây dựng thành khu du lịch Cát Cát.
Vị trí: Cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km.
Khung cảnh yên bình của bản Cát Cát. Ảnh: dulichcauvong
THUNG LŨNG MƯỜNG HOA – BÃI ĐÁ CỔ SA PA
Điều đặc biệt tại thung lũng này là bãi đá cổ có khắc nhiều hình khác nhau, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa. Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ. Tại thung lũng Mường Hoa còn có con suối xinh đẹp trải dài khoảng 15 km, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ.
Vị trí: Xã Hầu Thào, cách thị trấn Sa Pa 8 km về phía Đông Nam. Từ thị trấn Sa Pa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao (có trạm thu phí 80.000 VND/người), bạn sẽ đến thung lũng Mường Hoa.
CHỢ TÌNH SA PA
Mỗi tuần họp chợ một lần vào sáng chủ nhật. Tuy nhiên, đêm hôm trước (tối thứ 7), các nam thanh nữ tú đến trước để giao lưu gặp gỡ (thường là chơi trò kéo co, thổi kèn lá, hát giao duyên… Đây là phiên chợ của người dân tộc Dao. Sau đêm đi chơi chợ phiên, nhiều đôi trai gái đã trở nên thân thiết và hẹn gặp lại trong các phiên chợ sau hoặc trở thành bạn đời trăm năm.
MỘT SỐ ĐIỂM THAM QUAN PHẢI DI CHUYỂN XA
THẮNG CẢNH HANG TIÊN
Ngược dòng sông Chảy khoảng 6 km, từ trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) thuyền sẽ đưa bạn qua thành cổ Trung Đô với nhiều huyền thoại. Dòng sông Chảy đến đây thắt lại tạo thành dòng sâu, hiền hoà, len lỏi giữa hai bờ vách thành dựng đứng. Thắng cảnh Hang Tiên là một Hạ Long thu nhỏ, gắn liền với sự tích về miếu thờ Ba Cô xã Bảo Nhai. Nhiều du khách đến đây vãn cảnh, tắm suối Tiên đắm mình trong ánh ban mai bên đảo hoa, đều cầu mong được ban phúc cho sắc đẹp, sức khỏe và phú quý.
Vị trí: Cách trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) 6km.
Khu vực để vào thắng cảnh Hang Tiên. Ảnh : ST
CHINH PHỤC ĐỈNH PHAN XI PĂNG – NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG
Phan Xi Păng là ngọn núi cao nhất của bán đảo Đông Dương (3.143 m), nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn. Nếu đi bộ, leo núi bạn phải mất 6 đến 7 ngày mới chinh phục được đỉnh núi này. Bạn có thể đi theo tour của các công ty du lịch hoặc tự tổ chức với sự dẫn đường của dân địa phương người dân tộc Mông, Dao (Bản Cát Cát). Trên đường lên đỉnh núi, du khách sẽ được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú. Tại đó có rất nhiều cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, các loại gỗ quý, chim thú như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương, các loài chim…
Vị trí: Cách thị trấn Sa Pa 9 km về phía Tây Nam.
Đỉnh Phan Xi Păng. Ảnh: dulichkinhdo
BẢN TẢ PHÌN
Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm. Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ngay gần đó. Trong hang có nhiều nhũ đá kỳ thú hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh…
Vị trí: Cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17 km về hướng Đông.
Ruộng bậc thang của người Dao đỏ tại Tả Phìn. Ảnh: ST
THÁC BẠC – ĐỈNH ĐÈO
Trên đường đi Lai Châu, bạn sẽ gặp Thác Bạc ào ào chảy xuống từ độ cao 200m vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, tạo nên âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Tuy nhiên vào mùa xuân du khách nên cân nhắc trước khi tham quan Thác Bạc vì thác rất ít nước. Đi thêm 3 km nữa từ Thác Bạc, bạn đến với địa danh Đỉnh Đèo. Nơi đây có tầm nhìn tuyệt đẹp lên Phan Xi Păng, dưới sâu là con đường độc đạo đi sang Bình Lư.
Vị trí: Từ thị trấn Sa Pa, đi về phía Tây khoảng 12 km, trên đường đi Lai Châu.
CỔNG TRỜI
Đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Và cổng trời chính là đỉnh của con đèo này. Đứng giữa cổng trời Sa Pa, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ôtô xuôi ngược, xa xa là Thác Bạc. Cũng ở cổng trời này bạn mới cảm nhận được vẻ kiêu hùng của đỉnh Phan Xi Păng vời vợi lưng trời, bên dưới là những vực sâu thăm thẳm.
Vị trí: Cách thị trấn Sa Pa 18km về hướng Bắc.
Cảnh núi non hùng vĩ nhìn từ Cổng Trời. Ảnh: Vĩnh Linh
CỐC SAN
Cốc San là một hệ thống các thác nước và các hang động to nhỏ khác nhau. Từ quốc lộ 4D, có một con đường đất nhỏ dài khoảng hơn 1km dẫn vào Cốc San. Đường vào Cốc San rất ngoằn ngoèo, tối và bị lấp bởi những tảng đá, vẻ đẹp của Cốc San vẫn hoàn toàn mang tính chất tự nhiên, hoang sơ. Có một điều rất đặc biệt là hầu như ở mỗi gầm một con thác, sau làn nước đổ từ trên cao xuống lại có một hang động. Phong cảnh Cốc San hài hoà và khoáng đạt. Mọi người mỗi khi đến đây đều cảm nhận được sự huyền bí diệu kỳ toát lên từ những ngọn thác, những mô đá và những hang động.
Vị trí: Xã Cốc San, huyện Bát Xát, cách thành phố Lào Cai 7km.
DINH HOÀNG A TƯỞNG
Kiến trúc Dinh Hoàng A Tưởng theo phong cách Á – Âu kết hợp, tạo sự hài hoà, bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín. Đây là một công trình kiến trúc đẹp mang dấu ấn vùng cao.
Vị trí: Trung tâm huyện Bắc Hà, Lào Cai.
CHỢ PHIÊN BẮC HÀ
Bắc Hà là chợ phiên thuộc loại lớn nhất vùng cao biên giới. Chợ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần, thu hút đông đảo bà con quanh vùng tới buôn bán, vui chơi. Đây vẫn là nơi trao đổi, mua bán của bà con dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc từ khắp các bản làng xung quanh kéo về. Những gian hàng bày đủ vật dụng thiết yếu như quần áo, cuốc xẻng hay đồ dùng trong nhà.
Vị trí: Trung tâm thị trấn huyện Bắc Hà, cách thành phố Lào Cai 60km.
Người dân đang mua bán tại chợ phiên Bắc Hà. Ảnh: hanoitravel
Lễ hội tại Sa Pa
Du lịch Sa Pa vào mùa du lịch cuối năm, bạn có cơ hội tham gia những lễ hội độc đáo của đồng bào nơi đây. Mỗi lễ hội đặc trưng cho nét văn hóa của từng dân tộc thiểu số, lạ và vô cùng thú vị.
HỘI ROÓNG POỌC CỦA NGƯỜI GIÁY
Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch, người Giáy ở Tả Van (huyện Sa Pa) lại mở hội Roóng Poọc cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà. Tuy vẫn là lễ hội dân tộc truyền thống của người Giáy Tả Van, nhưng nhiều năm nay đã lan rộng, trở thành lễ hội chung của cả thung lũng Mường Hoa. Trong hội Roóng Poọc ngoài những nghi lễ độc đáo còn diễn ra các trò chơi, nhảy múa và biểu diễn dàn nhạc trống chiêng, kèn pí lè rất sôi nổi.
Khung cảnh nhộn nhịp của lễ hội Roóng Poọc. Ảnh: tainguyenmoitruong
LỄ HỘI “NÀO CỐNG”
Hàng năm vào ngày Thìn, tháng 6 âm lịch, các làng người Mông, người Dao, người Giáy Mường Hoa đều tập trung về miếu thờ ở bản Tả Van làm lễ “Nào Cống”. Mỗi gia đình cử một người đại diện, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ. Lễ “Nào Cống” cầu mong các thần phù hộ người yên vật thịnh, mùa màng bội thu. Ngoài ra, trong lễ hội, người đứng đầu sẽ công bố những bản quy ước chung và kết thúc bằng buổi ăn uống vui vẻ.
LỄ TẾT NHẢY
Tết nhảy là lễ hội quan trọng và được chuẩn bị khá công phu của người Dao Tả Van, thường được tổ chức vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết âm lịch. Nội dung chính của buổi lễ là cầu mong “Người yên vật thịnh”, “Uống nước nhớ nguồn”. Các hoạt động tế lễ trong Lễ Tết nhảy vô cùng đặc sắc với 14 điệu nhảy múa của một số nam thanh niên được chọn, hay những nghi lễ độc đáo do thầy cúng thực hiện.
LỄ HỘI “NHẶN SỒNG” VÀ “NÀO SỒNG”
Đây là Lễ hội của người Dao đỏ làng Giàng Tả Chải (Tả Van – Sa Pa) mang ý nghĩa giáo dục cao với dân làng, phòng chống nạn phá rừng. Hiện nay, chỉ năm nào rừng bị phá nhiều, trâu ngựa thả rông phá vườn tược hoa màu, người Dao mới tổ chức lễ “Nhặn Sồng”. Trong buổi lễ ,”Chẩu chiếu”- người đứng đầu trông coi rừng do dân làng bầu ra đứng lên công bố những điều luật ngăn chặn nạn phá rừng, trừng phạt những ai vi phạm. Sau khi dân làng thảo luận xong Chẩu chiếu sẽ tổng hợp thành quy ước, mỗi người tự giác tuân theo.
Người Mông ở Séo Mí Tỷ, ở Dền Thàng Tả Van cũng như Lao Chải, Hầu Thào, trước đây đều tổ chức một lễ hội tương tự gọi là lễ “Nào Sồng”, ngày cúng thường là ngày Thìn của tháng giêng. Nội dung quy ước của lễ “Nào Sồng” có sự mở rộng phạm vi điều chỉnh hơn làng người Dao. Bên cạnh việc bảo vệ rừng, chống thả rông gia súc, quy ước còn đề cập đến các vấn đề phòng chống trộm cắp, bảo vệ mùa màng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau…
LỄ QUÉT LÀNG CỦA NGƯỜI XÁ PHÓ
Hàng năm, người Xá Phó tổ chức lễ quét làng vào ngày ngọ, ngày mùi hoặc ngày con người vào tháng hai âm lịch, với mục đích để năm mới mọi người được bình yên, hoa màu tươi tốt, súc vật nuôi không bị ốm chết. Trong lễ quét làng, mỗi người góp lợn, gà, dê, chó, gạo… để làm mâm cúng các loài ma, thầy cúng làm lễ, cùng dân làng vẽ mặt nhảy múa cầu mong bình yên. Cuối buổi lễ, mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ. Các thức ăn cúng ma đều phải ăn hết không được mang vào trong làng.
HỘI GẦU TÀO CỦA NGƯỜI MÔNG
Lễ hội mở ra nhằm một trong hai mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh. Một gia chủ nào đó không có con, thưa con hoặc sinh con một bề, sẽ làm lễ nhờ thầy cúng bói xin cho mở hội Gầu Tào để cầu con – đó là hội cầu phúc. Một gia chủ khác nếu thường ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm chí có con bị chết, mùa màng, vật nuôi lụi dần, cũng nhờ thầy cúng bói xin mở hội Gầu Tào – đó là hội cầu mệnh. Lễ hội cũng thường được tổ chức dịp đầu năm.
Khung cảnh diễn ra lễ hội Gầu Tào. Ảnh : laocai.gov
LỄ HỘI XUỐNG ĐỒNG SA PA – LÀO CAI
Lễ hội xuống đồng đầu xuân của đồng bào dân tộc Tày, Dao xã Bản Hồ – Sa Pa (Lào Cai) khai hội sáng ngày mồng 8 Tết hàng năm. Phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước rồi đến lễ cúng giao linh với thần linh. Phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày, người Dao.
Nhưng nổi bật nhất, vui nhất, nhiều người tham gia nhất là những màn xoè, khi tiếng kèn trống vang lên các cô gái Tày mở đầu màn xoè với những động tác xoè duyên dáng, điệu nghệ mời mọi người tham gia, vòng xoè cứ rộng mãi đi đều trong tiếng kèn, tiếng trống dập dìu. Khi các màn xoè kết thúc mọi người lại đổ tới khu chơi trò chơi. Các trò chơi ở đây đa số là trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, đánh bóng, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ…
Lễ hội xuống đồng trong mây núi Sa Pa. Ảnh: dinhhaphoto.blogspot.com
GỌI NGAY: 0906.80.90.95 - 0989.66.12.64 (Mr Trường)
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ CUNG CẤP VÉ TÀU CHẤT LƯỢNG VỚI MỨC GIÁ TỐT NHẤT
VÉ TÀU SAPA GIÁ RẺ
Send your comment